Tuổi đời mênh mông và bạo lực tuổi trẻ
Nhiều khi tôi (cũng như nhiều người khác) tự hỏi, thế giới này sẽ như thế nào nếu thiếu đi bóng dáng những chàng trai, cô gái tuổi trăng tròn. Mà không chỉ thế giới, mà bất kỳ nơi nào trên đất nước thân yêu của chúng ta cũng thế, khi ta nhìn thấy các em phới phới tung tăng bên đời, thì cuộc sống như đáng yêu hơn.
“Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng, Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me , em cùng lá tung tăng như loài chim đến, Và đă hót giữa phố nhà.”
Tuổi trẻ, lúc nào cũng tràn trề sức sống. Từ giọng nói tiếng cười trong veo, từ những dáng mảnh mai trong tà áo dài thiếu nữ hay trong váy áo nữ sinh, từ dáng nhỏng cao lộc gộc, cái giọng ồ ồ vừa vỡ tiếng của các cậu trai mới lớn, tất cả đều làm người lớn phải mỉm cười. Người lớn cười, vì thấy tương lai mình ở đó, quá khứ của mình cũng ở đó. Họ thấy bóng dáng họ hơn mấy mươi năm về trước, và họ thấy tương lai cho tới mấy mươi năm sau, và họ sẽ chăm chút thương yêu cho những cái cây đang lớn kia không héo tàn vì dông bão cuộc đời hay nở hoa kết trái quá sớm mà không được tận hưởng những phút xanh non của đời.
Các em ngơ ngác vào đời, với tâm hồn trong trẻo, cuộc sống hiện đại giúp các em tiếp cận với internet, với cả thế giới rộng lớn xung quanh “Ôm cuộc sống trong tay bên đời quá rộng”, nhưng liệu có ai đó cho các em một bản lĩnh, một dũng khí để biết lựa chọn cái nào là hay, cài nào là dở trong một rừng thông tin tràn ngập trên sách báo, truyền hình và internet? Liệu có ai cho em biết đâu là giá trị thật, đâu là ảo, để các em vẫn giữ được “Tuổi thần tiên yêu dấu dưới ngôi trường kia”, để các em không vội vã thành “hotboy” hay “hotgirl” khoe da thịt mẹ cha nuôi nấng, khoe hình hài giống nòi ấp ủ lên trên mạng cho cả thiên hạ xem và cười chê? Ai sẽ giữ cho các em mãi là “Em cùng đóa hoa lan hay quỳnh hương trắng, Thơm ngát từ đất đai quê nhà”? Nếu người lớn cứ quay cuồng với danh vọng, với tiền bạc, với nhà đất, xe hơi, với vàng đô nhảy múa, liệu có còn thời gian cho các em, hay chỉ quẳng cho các em một nắm tiền rồi đi?
Có chứ. Có tình yêu. Phải! chỉ có tình yêu mới giúp các em trở lại thật sự với “Thời thơ ấu, bướm hoa và chim cùng mưa nắng”, để “Em đứng bên trời tự do, yêu đời thiết tha”. Nhưng có phải tình yêu lúc nào cũng đẹp? Hay tình yêu thời bây giờ là khoe nhau quần áo đẹp, điện thoại xịn, ôm nhau trên xế đẹp đi tới vũ trường quán bar và… nhà nghỉ? Có bao nhiêu tình yêu tuổi học trò ngày nay còn trong trắng ngây thơ như thời của cha mẹ, ông bà các em? Có bao nhiều em sẽ hiểu rằng, việc đánh nhau, lột áo quần nhau và tung clip lên mạng, sẽ không chỉ là làm nhục người bạn ấy, mà là làm nhục chính bản thân mình? Các em làm như thế là đang tự hạ thấp nhân phẩm của mình trong con mắt của toàn cư dân mạng? Và liệu chàng trai nào có giáo dục lại còn tiếp tục dám yêu một cô gái như thế? Hay cũng chỉ là thứ giang hồ hạng bét mới tiếp tục yêu em? Và có cha mẹ nào dám cưới cho con trai mình một cô gái “chiến tích” lẫy lừng như thế?
Một lần có người hỏi tôi: làm sao để không còn bạo lực học đường. Tôi nói: có lẽ phải đưa đạo Phật, đạo Khổng vào trường học (như luân lý giáo khoa thư mà lúc nhỏ tôi được học), cho các em hiểu về Tâm, về Nhân – Quả, để bớt đi những ham muốn bản năng, bớt đi “cái Tôi” được khuyết đại quá đáng. Có thể các em sẽ cần nhiều trải nghiệm hơn về cuộc sống, không chỉ ở nơi đô hội, mà cần về những miền quê hẻo lánh, để thấy sự khổ cực của dân nghèo mà ý thức hơn về sự sung sướng của mình. “Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ, Đường dìu chân em đi đến những miền xa. Thăm ruộng đất bao la những làng quê cũ. Mùa cây trái níu chân về”.
Mong sao các em sẽ mãi “Như là những bông hoa trong thành phố này. Tuổi đời mênh mông quá búp non đầu cây”, mong sao “Em về giữa thiên nhiên em cười em nói. Như sóng đùa biển khơi”, sẽ luôn là một thế hệ tương lai làm chủ đất nước thật xứng đáng. Cha mẹ sinh ra và cực công làm lụng nuôi nấng; thầy cô dạy dỗ uốn nắn; chỉ mong em thành người tốt và có ích. Đừng làm mất đi vẻ hồn nhiên, thánh thiện và nét đẹp trong sáng của tuổi đời mênh mông, em nhé.
Muốn được như vậy, các em phải tự mình nhìn lại mình để biết mình là ai, từ đâu ra, ai nuôi mình, mình phải có trách nhiệm với ai. Và người lớn cũng nên nhìn các em để thấy thêm trách nhiệm (đặc biệt là những người lớn làm công việc quản lý giáo dục).
Trả lời