Feeds:
Bài viết
Bình luận

10 phim tình cảm kinh điển cho những tình nhân

1. Casablanca (1942)

Là bộ phim quen thuộc với bất kỳ khán giả nào yêu điện ảnh, Casablanca được nhiều tạp chí bình chọn là phim tình cảm vĩ đại nhất mọi thời. Phim là câu chuyện tình tay ba ngọt ngào xen lẫn cay đắng xảy ra tại Bắc Phi trong thời khắc bom đạn của Thế chiến II. Nhân vật trung tâm của phim là Rick Blaine, một chủ quán bar ở Casablanca bị giằng xé giữa tình yêu dành cho Ilsa, người tình cũ của anh ở Paris, và trách nhiệm giúp cô cùng chồng là một lãnh tụ người Tiệp Khắc thoát khỏi Marốc để tới Mỹ.

Một cảnh quay trong bộ phim tình cảm kinh điển

Một cảnh quay trong bộ phim tình cảm kinh điển "Casablanca"

Với những câu thoại đắt giá, hình tượng nhân vật khó quên và âm nhạc đầy mê hoặc, Casablanca đã trở thành một chuẩn mực của phim tình cảm Hollywood và 70 năm sau ngày công chiếu đầu tiên, đây vẫn được coi là một trong những bộ phim xuất sắc của điện ảnh thế giới.

2. Gone With The Wind (1939)

Lấy bối cảnh cuộc nội chiến Nam – Bắc Mỹ, Cuốn theo chiều gió xoay quanh tình yêu của nàng tiểu thư xinh đẹp kiêu kỳ Scarlett O’Hara. Yêu đơn phương một chàng trai nhưng không thành, cô tuyệt vọng tìm tới những cuộc hôn nhân ngắn ngủi, không hạnh phúc. Về sau, để thoát khỏi cảnh nghèo đói và cứu lấy gia đình, Scarlett miễn cưỡng kết hôn với Rhett Butler – một quý ông phong lưu, hào hoa. Rhett tìm mọi cách để giành lấy trái tim của người phụ nữ bướng bỉnh, cá tính nhưng không thành. Đến khi Rhett ra đi, Scarlett mới nhận ra mình đã yêu chàng.

"Cuốn theo chiều gió" có nhiều nụ hôn đi vào lịch sử điện ảnh của hai nhân vật Rhett và Scarlett

Những ai từng xem Cuốn theo chiều gió chắc chắn không thể quên được những nụ hôn cưỡng ép đầy quyến rũ, gợi tình mà Rhett dành cho nàng Scarlett. Phim đã đạt 8 giải Oscar và khiến trái tim của hàng triệu người xem phải thổn thức trong hơn 7 thập kỷ qua.

3. Breakfast At Tiffany’s (1961)
“Hiền hòa, êm ả và lãng mạn như dòng sông trăng” – đó là lời nhận xét của rất nhiều khán giả về phim Bữa sáng ở Tiffany’s. Minh tinh huyền thoại Audrey Hepburn vào vai Holly, cô gái xinh đẹp sống trong một căn nhà nhỏ ở New York, thích giao thiệp với giới thượng lưu, dù cô luôn coi họ là những kẻ đểu giả và rỗng tuếch. Holly mong muốn sẽ kiếm được một chàng trai giàu có và đưa anh ta vào “bẫy”. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi khi một chàng nhà văn từ Rome có hoàn cảnh như Holly chuyển tới sống ở căn hộ gần chỗ cô…

Phong cách thời trang của Audrey Hepburn trong

Phong cách thời trang của Audrey Hepburn trong "Bữa sáng ở Tiffany’s" có tầm ảnh hưởng lớn cho tới tận sau này

Bộ váy đen thanh lịch mà Audrey Hepburn mặc trong phim đã đưa cô trở thành một biểu tượng thời trang bất tử trên màn bạc. Cảnh nhân vật Holly ngồi gảy đàn và hát Moon River bên cửa sổ cũng được đưa vào danh sách Những khoảnh khắc điện ảnh đáng nhớ nhất (xem video).

4. Doctor Zhivago (1965)

Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga Boris Pasternak, Bác sĩ Zhivago là một phim tình cảm được dàn dựng hoành tráng nói về một bác sĩ kiêm thi sĩ ở xứ sở bạch dương và những mối tình lãng mạn trong cuộc đời ông. Tâm lý của bác sĩ Zhivago cũng rất phức tạp khi phải lựa chọn tình yêu giữa hai người phụ nữ – Tonya, vợ ông, và Lara, người phụ nữ mang hai dòng máu Pháp và Bỉ mà Zhivago hết mực yêu thương. Chuyện tình tay ba này càng trở nên bi tráng hơn khi diễn ra vào những năm trước Cách mạng tháng 10 Nga.

Omar Sharif và Julie Christie trong phim

Omar Sharif và Julie Christie trong phim "Bác sĩ Zhivago"

Tình yêu trong Bác sĩ Zhivago được đánh giá là mạnh mẽ nhưng đầy thơ mộng trong bước đường tuyệt vọng của cuộc sống, của định mệnh. Chuyện tình tay ba trong phim được dẫn dắt bởi dàn diễn viên tài năng, bao gồm Omar Sharif, Julie Christie và Geraldine Chaplin.

5. Romeo and Juliet (1968)

Phiên bản điện ảnh nổi tiếng nhất của câu chuyện tình mà đại thi hào Shakespeare đã tạo nên có lẽ là bản năm 1968, với sự tham gia của Leonard Whiting và Olivia Hussey. Xuất thân từ hai dòng họ thù địch nhau, đôi trai gái yêu nhau say đắm và nguyện sẽ mãi bên nhau dù cho cái chết chia lìa. Sự ngăn cấm của gia đình đã khiến Romeo và Juliet phải chôn vùi tuổi thanh xuân và đem theo mối tình bất diệt sang thế giới bên kia. Romeo and Juliet của đạo diễn người Italy, Franco Zefirelli, đã giành hai giải Oscar vào năm 1969.

Phiên bản

Phiên bản "Romeo và Juliet" năm 1968 được xem là đáng nhớ nhất

Vẻ đẹp cũng như diễn xuất của cặp minh tinh – tài tử Olivia Hussey và Leonard Whiting đã lấy đi bao nước mắt của khán giả. Phiên bản năm 1968 còn nổi tiếng với bản tình ca bất hủ A Time For Us làm rung động lòng người mỗi khi được ngân vang (xem video).

6. The English Patient (1996)

Câu chuyện của Bệnh nhân người Anh diễn ra vào những tháng ngày cuối cùng của Thế chiến II tại một ngôi biệt thự bỏ hoang ở Italy. Tại đây, nữ y tá Hana phải chăm sóc một bệnh nhân có cái tên đặc biệt – Bệnh nhân người Anh. Anh ta bị bỏng nặng, gương mặt méo mó, dị dạng nhưng ký ức tình yêu của anh vẫn luôn nguyên vẹn và luôn là tâm điểm trong mỗi cuộc trò chuyện với Hana. Bí mật của quá khứ và đời sống hiện tại dần hiện lên trong sự va chạm giữa Hana và Bệnh nhân người Anh.

Ralph Fiennes và Kristin Scott Thomas trong phim

Ralph Fiennes và Kristin Scott Thomas trong bộ phim giành 9 giải Oscar năm 1997 – "Bệnh nhân người Anh"

Đó là mối tình hiện thực đẹp nhưng đượm buồn của Hana với Kip, chàng trung sĩ phá mìn và chuyện tình của quá khứ giữa Bệnh nhân người Anh với cô gái Katherine Clifton. Tình yêu với tất cả sự đẹp đẽ, đau đớn khi được đặt trong khung cảnh đổ nát, hoang tàn của chiến tranh đã đem tới những cảm xúc mãnh liệt cho hàng triệu người xem.

7. Roman Holiday (1953)

Kỳ nghỉ hè ở Roma kể về nàng công chúa Ann do quá chán với những nghi thức của Hoàng cung nên bỏ trốn đi chơi. Trên đường đi, nàng trúng tiếng sét ái tình với một chàng phóng viên người Mỹ. Cả hai lang thang trên khắp những con ngõ, những ngả đường của thành phố La Mã vĩnh cửu này để rồi khi trở về Hoàng cung, những ngày hè ở Roma đã trở thành những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời công chúa Ann. Tình yêu trong Kỳ nghỉ hè ở Roma được xây dựng đầy trong trẻo, thuần khiết giữa khung cảnh đẹp mê hồn của thủ đô Italy.

Audrey Hepburn mơ màng bên Gregory Peck trong phim

Audrey Hepburn mơ màng bên Gregory Peck trong phim "Kỳ nghỉ hè ở Roma"

Đây cũng là bộ phim đầu tiên mà minh tinh huyền thoại Audrey Hepburn được đóng vai chính và ngay sau đó, Kỳ nghỉ hè ở Roma đã đem về cho cô tượng vàng Oscar danh giá dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc vào năm 1954.

8. Ghost (1990)

Khi ra mắt vào năm 1990, Oan hồn của Demi Moore và Patrick Swayze đã tạo nên những đột phá mới về nội dung so với những phim tình cảm thông thường khi thêm vào yếu tố tâm linh, kinh dị. Khi nhân vật Sam qua đời trong một vụ sát hại, Molly – hôn thê của anh – trở nên phiền muộn và cô độc. Tuy nhiên, linh hồn của Sam chưa sẵn sàng để đi về thế giới bên kia mà vẫn ở lại trần gian bảo vệ, che chở cho Molly. Oan hồn mang ý nghĩa rằng tình yêu vĩnh cửu có thể vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết.

Nụ hôn bất diệt của hai nhân vật Sam và Molly trong phim

Nụ hôn bất diệt của hai nhân vật Sam và Molly trong phim "Oan hồn"

Bản tình ca Unchained Melody xuất hiện xuyên suốt phim đã trở thành một trong những tình khúc hay nhất thế kỷ 20. Lời ca và hình ảnh kết phim đọng lại trong tâm trí người xem cảm xúc về sự thăng hoa của tình yêu, khi hai tâm hồn đồng điệu hòa quyện vào làm một (xem video).

9. Pretty Woman (1990)
Được ví như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, Người đàn bà đẹp kể về tình yêu giữa một thương gia giàu có và một cô gái làng chơi. Họ đến với nhau trong một ngày tình cờ và nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên, địa vị xã hội là khoảng cách lớn nhất giữa hai người. Bằng ý chí và sức mạnh tình yêu vượt lên trên tất cả, cả hai đã tìm được bến bờ hạnh phúc với một kết thúc không thể hoàn hảo hơn – trong bộ vest lịch lãm, chàng lái chiếc limousine trắng và xuất hiện bên cửa sổ nhà nàng với một đóa hoa trên tay.

Julia Roberts sánh bước bên Richard Gere trong phim

Julia Roberts sánh bước bên Richard Gere trong phim "Người đàn bà đẹp"

Hài hước, ngọt ngào và đầy mộng mơ, Pretty Woman đã thành công ngoài sức tưởng tượng và biến Julia Roberts trở thành minh tinh đắt giá nhất thế giới lúc bấy giờ. Biệt danh “người đàn bà đẹp” mà giới truyền thông đặt cho cô cũng là từ sau bộ phim này.

10. Titanic (1997)

Câu chuyện tình éo le giữa chàng họa sĩ nghèo người Mỹ, Jack, và tiểu thư quý tộc người Anh, Rose, trên con tàu định mệnh Titanic đã làm thổn thức trái tim hàng triệu người hâm mộ. Thuộc hai tầng lớp khác nhau, họ gặp gỡ rồi cùng nếm trải một tình yêu mãnh liệt trong một không gian mênh mông, rộng lớn của bầu trời và đại dương. Sau này khi trở thành một bà lão 80 tuổi, Rose đã ngồi kể lại cho con cháu về những ký ức tươi đẹp của thời tuổi trẻ, về người đàn ông mà cô thực sự yêu và đã đem đến cho cô một cuộc sống đích thực.

Chàng Jack và nàng Rose của phim "Titanic"

Titanic đứng thứ hai trong danh sách các phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh với 1,8 tỷ USD. Tháng tư này, để kỷ niệm 100 năm ngày con tàu định mệnh ra khơi và chìm đắm dưới đáy Đại Tây Dương, đạo diễn James Cameron quyết định đưa Titanic trở lại các rạp chiếu với phiên bản 3D.


Nhan sắc “nữ thần” của Olivia Hussey trong phim Romeo và Juliete (1968)

Romeo và Juliet là chuyện tình bất hủ của sân khấu kịch của đại văn hào William Shakespeare (1564 – 1616), là một trong những vở kịch lâu đời nhất, được diễn đi diễn lại nhiều nhất. Năm 1968, bộ phim “Romeo và Juliet” ra đời, đem lại một cách cảm nhận khác về chuyện tình bi kịch.

Bộ phim sản xuất năm 1968 cho tới nay vẫn được coi là bản chuyển thể hay nhất, từng được đề cử 4 giải Oscar và giành về 2 giải. Khi phim ra mắt, nó đã rất thành công về mặt doanh thu bởi tuổi của hai diễn viên chính Leonard Whiting (Romeo) và Olivia Hussey (Juliet) đều rất gần với tuổi của các nhân vật trong tác phẩm gốc khiến khán giả vô cùng háo hức. Trong những bộ phim vĩ đại nhất của mọi thời, Romeo & Juliete thường được nhắc đến, không chỉ ở nội dung phim mà còn ở mỗi cảnh quay và khung hình. Đạo diễn Ý Franco Zeffirelli đi ngược với thói quen sử dụng các diễn viên nổi tiếng trong vai chính mà dùng hai diễn viên chưa thành danh. Ông cũng đưa các nhân vật đến sát độ tuổi của mình như trong kịch bản của Shakespeare. Cách thể hiện mối tình của hai nhân vật chính Romeo và Juliete của ông cũng thật đáng khen. Hai diễn viên trẻ Leonardo Whiting và Olivia Hussey nhập vai theo đúng ý đồ đạo diễn. Cảnh đôi tình nhân gặp nhau tại vũ hội hóa trang trong gia tộc Capulet thật ấn tượng và cảm động. Đây là một trong những cảnh xuất sắc nhất. Cảnh người trên người dưới balcon cũng đánh bại tất cả những màn hẹn hò tương tự. Rồi đến bài nói của Nữ hoàng Mab, cảnh chiến đấu, cảnh trong hầm mộ đều rất điện ảnh. Đó là những cảnh mà những ai xem phim không thể nào quên. Zeffirelli đã làm một bộ phim cho giới trẻ và ông đã thành công. Một bộ phim rất đáng được dùng để nói về chân giá trị của tình yêu cho thế hệ trẻ đương đại.

 74c93-nhac_hoaicam10
Có tin đồn chung quanh bộ phim về quan hệ cha con giữa Olivia Hussey và đạo diễn Zeffirelli. Nhưng Olivia không phải là con của ông. Thoạt đầu, chính ông đã từ chối giao vai Juliete cho cô vì cho rằng cô “hơi tròn trịa”. Để thuyết phục ông, Olivia cố giảm cân và chỉnh lại mái tóc. Trước sự nhiệt tâm này, Zeffirelli đồng ý. Khi Olivia đến thử lại vai và giọng, cô hoàn toàn là một thiếu nữ xinh đẹp khiến đoàn làm phim bị bất ngờ. Nhưng đạo diễn phải xin phép cơ quan chức năng mới được đưa cảnh Olivia ngực trần lên phim. Ông cũng không cho phép một sửa đổi nào thêm trên diện mạo của Olivia vì khuôn mặt cô đã quá hoàn chỉnh. Theo cuốn hồi ký của Zeffirelli thì có lúc ông định chọn ca sĩ Paul McCartney cho vai Romeo.


Nino Rota, người soạn nhạc cho phim cũng là người soạn nhạc cho nhiều bộ phim của đạo diễn Fellini. Nhạc trong The Godfather cũng do ông soạn. Romeo & Juliete là sản phẩm Shakespeare thứ 3 của đạo diễn Zeffirelli, trước đó là bộ phim truyền hình Much Ado about Nothing và bộ phim kinh phí lớn The Taming of the Shrew do Elizabeth Taylor và Richard Burton đóng vai chính. Sau đó, ông làm thêm Othello và Hamlet nhưng thành công nhất về cả doanh thu lẫn uy tín vẫn là Romeo & Juliete.

Chuyện phim xảy ra trong nước Ý thời Phục hưng. Romeo Montague (Leonardo Whiting) và Juliete Capulet (Olivia Hussey) thuộc hai dòng họ thù địch và đều được gá nghĩa cho người trong dòng họ nhưng họ lại yêu nhau say đắm bất chấp mọi hiểm nguy. Trở ngại lớn nhất là gã Tybalt (Michael York) ngạo mạn thuộc dòng họ Capulet và Mercutio (John McEnery) nóng tính thuộc dòng họ Montagne. Cái chết của Tybalt càng đẩy đôi nhân tình vào chỗ bế tắc, buộc Romeo phải trả thù. Juliete hóa giải bằng cái chết giả với sự sắp đặt của một giáo sĩ nhưng kịch bản lệch hướng đã dẫn đến bi kịch tự tử theo người yêu của Romeo và sau đó là cái chết trong thống khổ của Juliete. Trong một cảnh chiến đấu khi Mercutio ném gươm vào chân Tybalt, cái bóng của Mercutio chính là Zeffirelli vì John McEnergy bị bệnh nên ông phải tạm thay.

Olivia Hussey là một diễn viên gặp may mắn khi ở vào độ tuổi 15, lúc nhiều thiếu nữ vẫn loay hoay định hướng đi thì cô đã trở thành khuôn mặt quen thuộc của điện ảnh thế giới với vai nàng Juliete xinh đẹp kiểu cổ điển. Vai diễn mang về cho cô Quả cầu vàng và 2 giải Donatello (Oscar Ý) vai chính xuất sắc nhất. Trên sân khấu kịch Luân Đôn, Olivia vào nghề bằng vở kịch The Prime of Miss Jean Brodie đóng chung với diễn viên Vanessa Redgrave. Sau thành công với Romeo & Juliete, cô xuất hiện trong hơn 20 phim mà đáng chú ý có Death on the Nile (với Bette Davis và Peter Ustinov), Jesus of Nazareth (do Zeffirelli đạo diễn), The Last Days of Pompeii (với Sir Lawrence Olivier), Lost Horizon, The Bastard, Hallmark’s Hall of Fame Ivanhoe (với James Mason).

Nữ diễn viên thủ vai Juliet thành công nhất trong lịch sử – Olivia Hussey sinh ngày 17/4/1954 tại thủ đô Buenos Aires (Argentina). Cô được xem là một trong những huyền thoại của Hollywood, là ngôi sao của các ngôi sao. Olivia Hussey hội tụ nét đẹp tinh tế nhất của cả Đông và Tây phương, với đôi mắt “biết nói”, đôi môi chúm chím và mái tóc nhung đen như nàng Bạch Tuyết trong truyện cổ tích.

Pha hai dòng máu Anh và Arghentina, Olivia sống thời thơ ấu tại Buenos Aires với cha, ngôi sao opera và ca sĩ tango nổi tiếng Andreas Osuna (nghệ danh Isvaldo Ribo) và người mẹ gốc Anh. Năm 7 tuổi, Olivia theo mẹ và cậu em về lại Anh, nơi cô theo học 5 năm tại một trường kịch nghệ. Jenny là vai diễn đầu tiên của cô trong vở kịch Jean Brodie. Zeffirelli đã phát hiện ra Olivia khi xem vở kịch này. Ông mời cô dự tuyển vai diễn Juliete cùng với 500 ứng viên khác và cô đã thắng. Từ Anh, Olivia sang Los Angeles và cưới Dean Paul Martin, con trai của diễn viên Dean Martin. Họ có một con trai Alexander, hiện cũng là diễn viên. Ly dị một thời gian, Olivia cưới Akira Fuse, một trong những ca sĩ hàng đầu Nhật Bản. Kết thúc cuộc hôn nhân của họ là một con trai tên Max. Năm 1985, Olivia cùng hai diễn viên Burt Lancaster và Ben Cross xuất hiện trong bộ phim The Jeweller’s Shop do Karol Wojtyla (tức Giáo hoàng John Paul II) biên kịch. Cô được mời xem phim tại Vatican, như khách của Giáo hoàng. Sau đó Olivia nghỉ ngơi một thời gian để rảnh tay chăm sóc con gái India Joy (có với người chồng thứ 3 David Eisley, cưới năm 1991) rồi tái ngộ màn ảnh rộng với Bloody Proof in America quay tại Mexico City và bộ phim hài Tortilla Heaven do Judy Hecht Dumontet đạo diễn. Mới đây, cô đã phác họa chân dung Agi Bojaxhiu, cháu của Mẹ Teresa trong một bộ phim tài liệu ngắn quay tại Sri Lanka và Ý. Hội từ thiện Sisters of Mother Teresa’s Missionaries of Charity ghi ơn cô về bộ phim này. Hiện Olivia sống ở ngoại ô Los Angeles với gia đình và một bầy thú cưng.

6f10c-111816


Mối tình đẹp của vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ

Nguyễn Thiện Tơ sinh ra tại Hà Nội, xuất thân trong một gia đình công nhân (xưởng in Viễn Đông) tại căn nhà số 22 phố Charron mà nay là phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Yêu thích âm nhạc từ năm 10 tuổi, vào năm lên 12, Nguyễn Thiện Tơ theo học ghi-ta Hawaii (Hạ Uy cầm) với thầy giáo Trần Đình Khuê; chỉ ba tháng thì ông đã được biểu diễn cùng thầy trên đài phát thanh Pháp. Sau đó ông theo học ghi-ta với một người Pháp và bắt đầu biểu diễn ở các phòng trà và chương trình từ thiện với hai nhạc cụ này.

Nguyễn Thiện Tơ là người sáng lập nhóm Myosotis cùng với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh,… nhưng theo nhạc sĩ Phạm Duy thì Nguyễn Thiện Tơ là một nhạc sĩ độc lập, tức là không thuộc nhóm nhạc nào.

Năm 1938, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Thiện Tơ sáng tác bản nhạc đầu tay "Giáo đường im bóng" viết về một cô gái theo đạo Thiên Chúa, 16 tuổi và tên là Hà Tiên. Ông kể lại: "Trong kỳ nghỉ hè năm 1938 (lúc này còn là học sinh trường Thăng Long ở Hà Nội), tôi được mời tham gia biểu diễn đàn ghi-ta ởNam Định. Ở đây tôi đã làm quen với cô nữ sinh Hà Tiên cũng đến đây đóng góp tiếng hát của mình. Sau buổi dạ hội ca nhạc, tôi được bạn bè cho biết là gia đình cô ấy theo đạo Thiên Chúa. Nghĩ mình là kẻ ngoại đạo nên mới viết nên "Giáo đường im bóng" sau ngày ấy."

Nguyễn Thiện Tơ hoàn thành phần nhạc của ca khúc Giáo đường im bóng trước, sau đó nhà thơ Phi Tâm Yến – bạn thân của Nguyễn Thiện Tơ – viết lời. Theo Phạm Duy thì nhạc sĩ Lê Thương cũng thầm yêu cô Hà Tiên đó và đã viết nên ca khúc Nàng Hà Tiên.

Ban đầu cuộc tình giữa Nguyện Thiện Tơ và Hà Tiên không được gia đình cô chấp nhập bởi ngăn cách tôn giáo. Về sau hai ông bà đã thuyết phục được gia đình và thành hôn vào năm 1944. Nguyễn Thiện Tơ tiếp tục dạy ghi-ta và ghi-ta Hawaii. Trong số những người học ông, có những nhạc sĩ nổi tiếng như Doãn Mẫn, Đoàn Chuẩn và Nguyễn Văn Quỳ.

Sau ngày quân đội Việt Minh tiếp quản Hà Nội, Nguyễn Thiện Tơ về Đài Tiếng nói Việt Nam, thổi sáo trong dàn nhạc của đài. Đến năm 1959, ông chuyển sang dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch. Năm 1965, ông chuyển về hãng Phim truyện Việt Nam.

Giai thoại về ca khúc "Giáo đường im bóng"

Nguyễn Thiện Tơ là một nghệ sĩ guitare Hawaine nổi tiếng thời ấy song song với sáng tác nhạc. Ca khúc "Giáo đường im bóng" là ca khúc đầu tay của ông, xuất phát từ nỗi nhớ cô gái xứ đạo – mối tình đầu của ông.
Tại căn nhà số 22 phố Charron ngày ấy (22, Mai Hắc Đế, Hà Nội bây giờ), trong gia đình công nhân xưởng in Viễn Đông có một cậu con trai khoảng 12 tuổi rất mê âm nhạc. Nghe tin có thầy giáo Trần Đình Khuê mở lớp dạy guitare hawaïenne, cậu lập tức xin bố đi học. 14 tuổi, Nguyễn Thiện Tơ – tên cậu bé – màng đàn đến nhà thầy giáo Khuê. Học được 3 tháng, cậu đã được biểu diễn cùng thầy trên đài phát thanh Pháp. Hai, ba năm sau, Nguyễn Thiện Tơ học tiếp Tây ban cầm, do một người Pháp dạy. Chàng thanh niên bắt đầu sử dụng hai thứ nhạc cụ này biểu diễn ở các phòng trà và ấp ủ ý định sáng tác.

Sau đó ít lâu, thỉnh thoảng Nguyễn Thiện Tơ lại được mời đi biểu diễn từ thiện. Mỗi lần, chàng nghệ sĩ trẻ được mời vể biểu diễn tại Nam Định. Khi biểu diễn xong, đang đứng đàng sau cánh gà, có một cô gái trẻ, đẹp nhờ chàng lên hộ dây đàn. Nàng có vóc người mảnh mai, gương mặt thanh tú thêm nét quý phái khiến chàng lần đầu tiên nhìn đã cảm mến ngay. Khi nàng đàn và hát xong, rất nhiều người rắc kim tuyến giấy vào nàng, riêng chàng trai Hà Thành làm nàng phải quay lại nhìn rồi thẹn thùng quay đi, không phải vì nắm vụn giấy mà là đôi mắt đăm đắm của chàng. Một vài hôm sau, có một chương trình thể thao, nàng đến xem, hy vọng sẽ gặp chàng ở đó và nàng đã không thất vọng. Nhận ra nàng, chàng chỉ cười chào mang tính xã giao, rồi về trước. Từ lúc đó, chương trình thể thao ấy với nàng không còn gì hào hứng nữa, nàng cũng bỏ ra về. Rồi một hôm, qua một người bạn, chàng biết nàng tên là Vũ Hà Tiên, sắc đẹp và tài năng cầm ca thuộc hàng nổi tiếng của thành Nam, chàng mới cùng người bạn ghé chơi nhà nàng.

Hôm ấy, nàng yêu cầu chàng đàn một bài nàng thích là bài "forget me not"… Họ đã say nhau từ lúc đó. Cũng từ đấy, họ thỉnh thoảng thư từ cho nhau rồi hẹn gặp nhau. Có lần, họ củng nhau đi chơi bằng tàu điện khắp Hà Nội, những khoảnh khắc ấy kéo dài 6 năm. 6 năm "tình trong như đã…" nhưng tình yêu vẫn chữa vượt cái nắm tay.

Chàng bên lương nàng bên giáo. Để yêu nhau, họ không thể vượt qua rào cản của tôn giáo (mà thời ấy rào cản này rất dữ). Có những lần, chàng gần như tuyệt vọng khi nghĩ rằng tình yêu sẽ không đi đến đâu nên viết ca khúc "Giáo đường im bóng", ấy là năm 1938, lúc chàng 17 tuổi và nàng 16 tuổi. Sau khi đọc lời ca, thi sĩ Phi Yến đã sửa lời để tác phẩm hoàn thiện với những câu như " lá êm êm rơi trên gương hồ, hình như mối tơ duyên xa mờ…Sóng rung rinh hồ xưa đây, hồn tôi nhớ nàng mê say, ngày xa ấy u trầm quá…. Và sóng mắt huyên còn biết đâu tìm". Viết xong, chàng cũng không gửi cho nàng và nàng cũng chưa biết ý đồ cũa chàng trong bài hát đó.
Họ tiếp tục yêu trong lặng thầm, bởi ngăn cách tôn giáo. Hơn nữa gia đình nàng không đồng ý cho nàng lấy anh nhạc sĩ "lênh đênh". Có nhiều lúc chàng không làm chủ được nỗi nhớ, nỗi thất vọng mơ hồ, cầm bút viết nhạc để bày tỏ nỗi lòng. Do đó mới có những "Nhắn gió chiều", "Trên đường về", "Đêm trăng xưa", "Ngày vui đã qua", "Cung đàn xuân xưa" trong làng nhạc tiền chiến.
Nhưng rồi nàng cũng thuyết phục được gia đình, chấp nhận không có kim cương và nhẫn quý trong ngày cưới để làm vợ anh nhạc sĩ ấy. Lấy nhau rồi, người đẹp thành Nam yên vị với công việc của người vợ, còn chàng nghệ sĩ Hà Thành tiếp tục dạy guitare hawaiienne và Tây ban cầm (dạy từ năm 1940). Trong những học trò của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ ngày ấy có những người đã đi vào lịch sử tân nhạc như Đoàn Chuẩn, Dzoãn Mẫn….
Cô gái xứ đạo ngày xưa, người mà nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ gửi tiếng thương qua gió chiều thuở nào, giờ đây đã 83 tuổi. Ông bà vẫn sống ở giữa ngôi nhà 22 Mai Hắc Đế. Bà Vũ Hà Tiên vẫn còn giữ bài thơ ông gửi cho bà và những tấm hình thuở thiếu thời. Cây đàn guitare hawaiienne không còn nữa nhưng vẫn còn cây đàn Tây ban cầm, thỉnh thoảng ông lại đưa ra gảy….

Gần 70 năm chung sống, chưa một lần nặng lời

Ngày ấy, sự khác biệt về tôn giáo đã khiến đôi bạn trẻ tưởng không thể đến được với nhau. Nhưng cuối cùng tình cảm chân thành đã thuyết phục được gia đình.
6 năm sau ngày gặp gỡ, họ mới tổ chức đám cưới. Gần 70 năm chung sống, ông bà cho biết mọi sự đều tâm đầu ý hợp, thuận vợ thuận chồng, chưa bao giờ nói nặng lời với nhau, cũng chưa bao giờ làm nhau buồn lòng.
Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, chiến tranh loạn lạc, ông bà có với nhau tất cả 8 người con. Bà Tiên không quản ngại vất vả, đặt gánh nặng kinh tế lên đôi vai bé nhỏ của mình, lo toan mọi việc chu toàn trong gia đình.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tâm sự, ông sáng tác bài hát "Giáo đường im bóng" với ý nghĩ tình yêu của mình sẽ không đến được bến bờ vì có quá nhiều rào cản, nhưng cuối cùng, chính ông cũng không khỏi bàng hoàng, xúc động khi nhận thấy rằng cuộc đời mình lại có quá nhiều may mắn như vậy.
Ông nói: "Tôi sinh ra, lớn lên, già đi và có lẽ chết đi cũng trong căn nhà này thôi…". Điều ông nói nghe thật giản dị nhưng không hề dễ dàng, đơn giản để sống cho nhau một cuộc đời đẹp như thơ, như mộng ấy.
Và cũng thật không hề dễ dàng để cùng nhau đi đến cuối con đường mà vẫn ngập chìm trong ánh mắt hạnh phúc, trìu mến như lời bài hát: "Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ… ".

"Giáo đường im bóng"

Nhạc: Nguyễn Thiện Tơ 
Lời: Phi Tâm Yến

Lời 1:

Nhớ tới đêm đầy ánh sáng

Hương trong gió tràn mênh mang 
Giây phút như ngừng thôi rơi 
Tiếng kinh muôn lời 
Dáng xinh xinh bao tiên kiều 
quỳ ngân Thánh kinh ban chiều 
Trong giáo đường đêm Noel ấy 
ngàn đời tôi mến yêu 
Tiếng A men đều âm u 
Hòa theo gió vàng đêm thu 
làm xao xuyến tâm hồn quá 
Thời khắc mơ 
Thánh giá xa vời lắm với chuông chiều ngân 
Hồn thánh thót mưa dầm buồn tới âm thầm 
Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng 
Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ 
Lời 2: 
Tới chốn xưa nàng vắng bóng, 
Tôi mơ mắt huyền nhung trông. 
Bao phút vui thần tiên qua, 
Thấy đâu bây giờ. 
Lá êm rơi trên gương hồ, 
Hình như mối duyên xa mờ. 
Nay đến làm tôi xao xuyến, 
Hồi đời tươi sáng êm. 
Sóng rung rinh hồ xưa đây, 
Hồn tôi nhớ nàng mê say. 
Ngày xa ấy u trầm quá, 
Và chóng qua. 
Biết đến đâu tìm kiếm, 
Nối dây tình duyên, 
Và sóng mắt mơ huyền còn biết đâu tìm. 
Tôi tiếc thời tươi sáng trôi cùng năm tháng. 
Trí óc âm thầm nhớ mắt nàng huyền mơ. 
Ấn-bản 1951 – Tinh Hoa 150