Feeds:
Bài viết
Bình luận

Dáng Ai Nho Nhỏ, Trong Cõi Xa Vời…

Vào một buổi trời chiều vừa nhạt nắng phía đường xa, thoáng qua tôi hình ảnh từng tốp nữ sinh trong tà áo dài trắng xinh tươi buổi chiều tan trường. Lòng chợt dâng lên niềm xúc cảm ngọt ngào về một thời áo trắng xa xôi, đã qua lâu rồi và giờ đây chỉ còn là kỷ niệm….

“Em tan trường về – Đường mưa nho nhỏ…”

Theo nhà thơ Phạm Thiên Thư thì chính xác bài thơ tên là “Ngày xưa Hoàng Thị Ngọ”. Ngọ là ai thì tôi không biết nhưng biết chắc là tôi cũng như nhiều người bạn cùng trang lứa đã không biết bao nhiêu lần “bước nhỏ tìm nhau, tìm nhau” rồi. Nhờ tài năng phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy mà bài thơ trở thành “bài hát cửa miệng” của biết bao thanh niên cùng thời với tôi thưở ấy. Cứ mỗi lần nghe lại bản nhạc này, hình ảnh cả một thời tuổi trẻ luôn trở lại tâm trí của tôi.

Cho đến bây giờ dù có đã có được đi qua nhiều những con đường rất đẹp của nhiều thành phố nhưng tôi vẫn cứ nghĩ rằng con đường đi học nơi quê nghèo của tôi ngày ấy là con đường đẹp nhất trên thế giới này. Cái con đường đi ngang qua nhà thờ rêu phong, rồi xuôi theo một dốc thoải để dẫn đến cái ngôi trường mang tên Trung Học Tây Ninh – nơi mà ngày ấy, sáng sáng, trưa trưa từng đàn học sinh đi bộ hoặc chạy xe đạp ngang qua mà nhiều nhất là những tà áo trắng – mà bọn tôi vẫn gọi đó là “con đường huyền thoại”. Không huyền thoại sao được khi mà chính con đường đó đã “lưu dấu” biết bao nhiêu trái tim của những chàng trai trẻ thuở xa xưa đó. Những chàng trai trẻ mà sau này đã là ông nọ, ông kia, là nhà này, nhà nọ! Hình ảnh “gót giầy lặng lẽ đường quê” của chàng trai tuổi học trò trên con đường mưa nho nhỏ theo sau dấu chân người bạn gái vừa mang một sắc thái rất thực mà cũng rất mơ. Cứ mỗi độ tiếng trống tan trường vừa điểm, chàng trai trẻ si tình lại ngập ngừng theo gót chân cô bạn thân quen, “em đó, tôi đây, nỗi yêu thương khắc khoải có lúc nào nguôi, vậy mà chẳng thốt được nên lời”. Trên con đường lất phất mưa bay, cho khung cảnh xuyến xao rung động cùng đôi trái tim non chưa một lần dám thổ lộ tiếng yêu thương, cho lòng ai thêm trĩu nặng nỗi niềm riêng mong sao được bày tỏ:

”Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ.

Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ.

Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay…

Cái màu trắng của những tà áo dài trong cái-ngày-tôi-chưa-thấy-gì-ấy cũng rất bình thường thôi. Nhưng “đùng” một cái, vào một buổi sáng nọ, khi nhìn thấy những tà áo dài trắng tung bay ấy cái cảm giác nó khang khác hẳn. Nó khác đến một trăm phần trăm. Nó xao xao xuyến xuyến. Nó mơ mơ màng màng. Không biết cái màu trắng ấy nó có “đậm” lên một chút không, nhưng mà tự nhiên tôi thấy nó đẹp hẳn ra. Nó đẹp lắm!. Con đường cũng xinh hơn, những hàng me có vẻ mát hơn cũng chỉ với những bóng cây như cũ. Lúc đó tôi không biết được cảm giác này do đâu – nhưng sau này nhớ lại thì tôi nhủ mình rằng “À, mình đã lớn rồi đây”. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của Huy Cận:

Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn

Tuổi hai mươi đến có ai ngờ

Bỗng nhiên cơn gió tình yêu đến

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư…

Xin con đường về cứ mãi còn xa, đôi dáng nhỏ liêu xiêu tìm về trên con đường ngợp trong sắc xanh lá me. Bước chân em nhẹ nhàng, dịu dàng trên con đường thênh thang, đường vẫn thênh thang mà lòng chàng trai cứ mong đường còn xa mãi. Con đường quê trải dài bao kỷ niệm, cảnh vật như cũng có hồn và thổn thức trong từng dư âm của một cõi lòng non nớt còn vang vọng khối tình si, đôi bàn tay dại khờ vội ngắt cành hoa yêu thương vừa chớm nụ trao cho em như một kỷ vật của mối tình đầu.

“Em tan trường về, anh theo Ngọ về

Em tan trường về, anh theo Ngọ về

Môi em mỉm cười mang mang sầu đời, tình ơi”

Còn nhớ ngày xưa, có lần tôi được thằng bạn nó khoe cho xem cuốn “lưu bút” hè năm 1971, trong đó có mấy đoạn lưu bút mà nó khoe là của mấy cô bạn nữ. Tôi nói với nó là tao không thèm “chơi” mấy thứ này, nó “sến” lắm, “cải lương” lắm. Chả là vì thuở đó, ở cái tỉnh lẻ của tôi tuy nghèo về tiền bạc nhưng kiến thức, sách vở chắc không nghèo. Cái tỉnh có “chút xíu xìu xiu” mà có bao nhiêu là nhà sách. Và lũ tụi tôi, học đòi mấy anh lớn hơn, bày vẻ ra đọc J. P. Satre, đọc Albert Camus, đọc Phạm Công Thiện, hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Phạm Duy, nhạc Cung Tiến thôi – chứ đọc sách khác thì “dở” lắm. Hát “Thanh Tuyền, Chế Linh”, hát “Nhật ký đời tôi ghi thêm một lần vui …” là sến – Và cũng vì vậy nên “bị lây” cái ý nghĩ: “chơi lưu bút là sến” ấy. Nhưng nói thật nếu tôi có bày cái trò làm lưu bút ấy ra thì tôi lúc đó cũng chả có bạn nữ sinh nào thí cho mấy câu kiểu “Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau mất rồi. Giờ như nước trôi qua cầu”…

Bước sang tuổi cổ lai hy rồi, tôi có nhiều lần được vài người bạn cũ khoe còn giữ được mấy cuốn lưu bút cũ và tôi được cho xem lại. Tôi ao ước biết mấy và cứ thầm tiếc: giá ngày ấy mình làm một cuốn giống như vầy!

Tưởng đã phai màu – Đường chiều hoa cỏ – Mười năm rồi Ngọ – Tình cờ qua đây – Cây xưa vẫn gầy – Phơi nghiêng dáng đỏ – Áo em ngày nọ – Phai nhạt mấy màu – Chân theo tìm nhau – Còn là vang vọng – Đời như biển động – Xóa dấu ngày qua… (thơ Phạm Thiên Thư)

Thú thật, cách đây hơn 30 năm, vào thời khó khăn cơ cực, tôi đã có dịp gặp những người bạn nữ sinh – thời trước là những thiên thần đi học ngang con đường huyền thoại tôi kể ở trên – đi những chuyến xe đò liên tỉnh, gặp trong những dịp lễ Tết, gặp trên những chuyến đi công tác; lòng tôi vẫn còn nôn nao như thưở mới ngày nào. Tôi còn giữ nguyên cái cảm giác buồn bã đến rã người cái ngày tôi gặp hai chị em của một người bạn bày bán những kim chỉ nút trên một tấm ni lông… ở cuối chợ. Nước mắt thật sự không còn để rơi được nữa đâu. Đúng là: Đời như biển động – Xóa dấu ngày qua – Tay ngắt chùm hoa – Mà thương mà nhớ – Phố ơi! – Muôn thuở – Giữ vết chân tình – Tìm xưa quẩn quanh – Ai mang bụi đỏ – Dáng ai nho nhỏ – Trong cõi xa vời. – Tình ơi!… Tình ơi!… (thơ Phạm Thiên Thư)

Tôi không ngắt chùm hoa nào nhưng lòng thương nhớ rất nhiều về những ngày xa xôi đó. Đường cũ đìu hiu ngày ấy, nhưng trong tôi nó vẫn là con đường đẹp nhất mà tôi đã từng đi qua. Những nàng con gái thuở ấy bây giờ không còn xuân sắc nữa – tôi biết có thể có người đang ngồi mệt mỏi bên những quầy hàng xén nhỏ ở một ngôi chợ quê nào rất xa; có thể họ đang là một người đã lưng cong vì những gánh nặng oằn vai của cuộc sống – nhưng họ vẫn là những “đứa-con-gái-trong-huyền-thoại” ngày ấy của tôi: Dáng ai nho nhỏ – trong cõi xa vời…


Cảm Xúc “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”

Thi thoảng, các bạn bè cũ thời trung học bổng nhiên rủ nhau đến nhà tôi chơi. Chén thù chén tạc xong thì tập trung ở phòng khách tán gẩu. Một bạn đề nghị rồi cả bọn đồng lòng muốn tôi hát “mộc” với đàn ghi ta. Rãi vài nốt nhạc tôi quay sang vợ tôi ngồi kế bên hỏi nhẹ:

-Em muốn anh hát bài gì?

-Anh có nhớ bài: “rằng xưa có gã từ quan”? lâu ngày em quên tựa rồi.

-Bài “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”

-Đúng!

Tôi so dây lựa tông La trưởng rồi bắt nhịp ngay bài hát vốn rất yêu thích. Em ngây người hát theo nho nhỏ.

… Tôi chợt nhớ tuổi đôi mươi và những ngày Sài Gòn buổi tối cúp điện, em từ Tây Ninh xuống thăm tôi. Tôi lúc ấy là sinh viên Y khoa ở trọ trong căn nhà nhỏ mù mờ trong con hẻm nhỏ, làm bạn với cây ghi ta kỷ niệm với vài cuốn nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An …Sau một chút tối đi loanh quanh chúng tôi về căn gác trọ. Tôi ôm đàn và hát những bản nhạc mà chúng tôi thích trong đó có “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ thi sĩ Phạm Thiên Thư là bài thơ “Động hoa vàng” là một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất trong cõi thơ Phạm Thiên Thư. Xuất hiện khoảng đầu thập niên 70 ở miền Nam, bài lục bát 400 câu này là một câu chuyện tình yêu trong sáng, cao khiết không nhuốm màu tục lụy. Tựa một viên ngọc lung linh huyền ảo, nó dẫn người đọc tìm về một thế giới tịch lặng, đơn sơ đẫm hương Thiền. Nơi ấy con người có thể tìm được con đường nuôi dưỡng chân tâm hầu mong một cuộc sống bình an, thanh thản. Ca khúc “Ðưa em tìm động hoa vàng” được nhạc sĩ Phạm Duy rút ra từ 400 câu thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư trong bài thơ trên.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư làm nên bao nhiêu bài thơ bất hủ, lời thơ thật nhẹ nhàng, êm như nhung. Từ ngữ qua tay ông bay bổng, thanh thoát đưa người yêu thơ vào cung bậc êm ái, cảm như gót hài tiên nâng nhẹ hồn lâng lâng. Tôi không phải là nhà phê bình nên không diễn tả hay đi vào chi tiết những đoạn thơ bất hủ của ông bởi sự hiểu biết của mình quá hạn hẹp. Chỉ nhớ chúng tôi khi ấy là đôi nhân tình trẻ tuổi đôi mươi yêu nhạc từ dạo thưở còn bé, hay nép mình ngồi nơi chân gác gỗ nghe các anh lớn đàn. Rồi lớn lên sở hữu giọng ca trầm ấm của chàng sinh viên Y khoa. Thật trùng hợp nhà trọ lúc ấy có khung cửa nhỏ và ánh trăng hắt vào. Ánh trăng dạo ấy hắt bên ngoài cửa sổ rồi nằm ngoan trên trang giấy nhạc.

Thơ Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ tài ba Phạm Duy phổ nhạc. Lời thơ và nhạc quyện vào nhau một cách tài tình, thăng hoa để người thưởng ngoạn trải qua bao năm tháng thăng trầm, vẫn nhớ từng nốt nhạc đầy huyễn hoặc khi bắt đầu bằng lối mở chuyện như ru người vào cõi mộng:

Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau.

Thuở ấy, tôi say mê lắm vào câu đầu, hình ảnh có “gã từ quan” sao thấy không bi lụy, ngược lại thật thơ mộng khi hát đến câu kế:

“lên non tìm động hoa vàng”

Tôi thường nhấn nhá giữa hai chữ nhớ “…nhau…” cuối câu như thể hồn mình cũng đang nhớ đến một ai đó.

Người con gái mà “gã từ quan” si tình qua thơ và nhạc bỗng đẹp lung linh, mộng mơ đầy hư ảo trong tiếng hát tôi, trong tâm hồn tôi:

Nhớ xưa em chửa theo chồng

Mùa Xuân may áo

Áo hồng đào rơi

Mùa Thu em mặc áo da trời

Sang đông lại khoát lên người áo hoa

… Tối nay giữa phòng khách nhà tôi, các bạn cũ là những người bạn quý của chúng tôi ngồi quanh bộ salon. Không có ánh trăng vàng e ấp, không có khung cửa sổ, không có dáng dấp chàng sinh viên ôm đàn hát tình ca trong căn nhà trọ, không còn mùi thơm hoa dạ lan từ căn nhà hàng xóm thoáng thoảng.

Chỉ có mái đầu bạc trắng của chúng tôi ngồi lắng nghe tôi hát lại bài ca bất hủ.

Lúc đó, cả phòng hầu như yên lặng. Chắc ai cũng đang nhớ về ngày tháng cũ, về ngôi trường cũ đầy ắp kỷ niệm; rồi mọi người như biến nỗi nhớ nhung, hoà giọng cùng tôi. Sau một đoạn giang tấu, tiếng guitar bập bùng, giọng em và các bạn cùng hát nho nhỏ theo:

Nhớ xưa em rũ tóc thề

Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay

Đợi nhau tàn cuộc hoa này

Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ

….

Thôi thì thôi để mặc mây trôi

Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan

Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi

(Đưa em tìm động hoa vàng, Thơ Phạm thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc)

Các bạn của tôi ơi! Mong năm sau và vài ba năm nữa, chúng ta còn gặp được nhau và tôi vẫn còn diễm phúc đàn những bài tình ca bất hủ để cùng nhau nghe nhé!


Nhớ Cây Cà Rem Ngày Thơ Dại

Buổi trưa, trời nóng rang, nhìn vào nhiệt kế trên tường thấy chỉ số 36 độ C. Nghe bức bối trong người vô cùng vì tôi có cảm giác trái đất sắp nổ tung!. Nghe đâu đang là thời gian đầu của hiện tượng El Nino! Mấy đứa cháu nội đang nghỉ hè ở nhà mở tủ lạnh lấy mấy que kem chocolate – mà mẹ chúng mua ở siêu thị về để trong tủ lạnh dự trữ – ra ăn để giải nhiệt. Tôi nhìn các cháu ăn rồi miên man nhớ về mình thời bé như bọn chúng đâu có kem que chocolate để ăn mà chỉ có ăn cây cà rem…

Hồi đó, quê tôi làm gì có được con đường như bây giờ, cho nên lâu thiệt lâu mới có người bán cà rem ngang qua nhà. Tôi nhớ cảnh chú bán cà rem ở quê tôi ngày ấy, trên ba ga xe đạp chú chở thùng cà rem nặng trình trịch chạy trên con đường đất buổi trưa ngang qua xóm tôi. Cái chuông bằng đồng có cáng chú cột trên ghi đông xe để lắt. Buổi trưa hè, nghe tiếng “leng keng” quen thuộc, bon trẻ lại ùa ra sân gọi í ới: “cà rem, cà rem”. Âm thanh leng keng, leng keng ấy rất hấp dẫn mời gọi đối với bọn trẻ con, nhất là những đứa trẻ quê như chúng tôi. Âm thanh ấy báo hiệu hôm nay chú bán cà rem có ghé qua và chúng tôi có thể thưởng thức cây cà rem ngọt ngào mát lạnh. Ngày xưa quà bánh, ăn vặt không nhiều nên những cây cà rem là thứ quà ngon nhất của bọn tôi trong mùa hè. Trưa nắng mà được ăn vị ngọt ngọt, mát mát thì còn gì bằng. Trong khung cảnh vắng vẻ, nhà cửa thưa thớt, tiếng kêu leng keng vang xa lắm, xa đến nỗi đủ thời gian để mấy anh em tôi chạy đi kiếm má xin tiền. Lúc xin được tiền thì chiếc xe cà rem cũng vừa tới trước nhà. Không thôi, một đứa chạy đi kiếm má, còn mấy đứa kia ở lại “canh me” ông cà rem. Tôi mong sao mỗi ngày có người bán cà rem đi ngang để được ăn thường xuyên.

Tôi còn nhớ như in cây cà rem lúc đó chỉ có giá 2 cắc thôi nhưng ăn rất ngon, hương thơm nhè nhẹ bốc lên cùng khói lạnh, liếm hoặc mút một miếng cảm giác tê buốt tận chân răng, rồi ngậm lại từ từ để “nghiền ngẫm” vị bùi bùi của đậu đen, béo béo của nước cốt dừa hoà quyện vào nhau. Ăn một lần là nhớ mãi.

Tuy chỉ 2 cắc nhưng lúc đó nhà tôi nghèo lắm, má bữa cho tiền dăm bữa không, nên khi có tiền mua được cây cà rem thì tụi tôi rất mừng. Nhớ nhất, thương nhất là lúc mấy anh em ăn chung cây cà rem. Khi đó đời sống còn thiếu thốn, hiếm khi được ăn ngon, nên mỗi đứa ăn 2-3 cây cà rem còn chưa thấy “đã”, nói gì mấy anh em ăn chung một cây. Má nói tôi lớn để tôi đút cho em ăn trước, rồi tôi mới được ăn sau, dù không thích lắm nhưng tôi vẫn nghe lời má. Cây cà rem giờ đây, dù là tụi con nít ở nông thôn cũng đã không thèm, vì nó đã trở nên quê mùa, so với sự hấp dẫn của những loại kem “đời mới” được bọc vỏ in hình rất đẹp và rất… vệ sinh. Nhưng đối với tuổi thơ tôi và các bạn đồng niên, cà rem là món ăn rất xa xỉ, hơn cả cái ngon tê buốt đầu lưỡi, vì nó là kỷ niệm da diết niềm thương nỗi nhớ của mấy anh em tôi và những lần xin tiền má mua cà rem. Dù hơn 60 năm rồi, nhớ chuyện ăn cà rem, chợt làm tôi rưng rưng muốn khóc.

Còn gì vui hơn như bọn trẻ chúng tôi lúc ấy khi được nghe âm thanh mong đợi ấy và được má cho tiền mua cà rem ăn. Có ngày không có tiền, tôi đứng nhìn ngắm cái chuông đồng, sờ vào và lắc lắc leng keng cho đỡ thèm.

Cà rem của bọn tôi ngày ấy thường là cây tròn, que làm bằng thanh tre nhỏ xíu, chủ yếu là kem đá, kem đậu xanh, đậu đen. Ăn cà rem không phải vội mà phải nhấm nháp (thực chất là mút liếm) mới cảm nhận được vị ngọt thanh và hương vị của cà rem. Lũy tre làng đang nghỉ ngơi giữa trưa hè cũng bị đánh thức bởi tiếng leng keng của chiếc xe cà rem. Con bò già đang tận hưởng giấc ngủ trưa bị âm thanh leng keng làm cho thảng thốt. Tâm hồn bọn trẻ con chúng tôi luôn bị cái mát lạnh và màu sắc lôi cuốn của cây cà rem trông ngon và đẹp mắt làm sao. Mùa hè, trong tiếng ve râm ran trên những tán cây xanh, lũ trẻ trốn ngủ trưa để đợi cái lưng áo ướt đẫm mồ hôi trên chiếc xe đạp cà tàng của chú bán kem. Khi chiếc xe đã đi rồi, vẫn còn không ít những cặp mắt trẻ thơ ngóng theo, sung sướng, hân hoan, thèm thuồng và chờ đợi. Nhớ về một thời tuổi thơ nơi miền quê xa lắc, mấy ai không khỏi chạnh lòng.

Bây giờ từ thành thị đến nông thôn đều có điện. Tủ lạnh chất đầy sữa chua, yaourt, kem hộp, kem cây nhà nào cũng có. Cây cà rem ngày xưa và chiếc thùng đựng cà rem sau ba ga chiếc xe đạp, tiếng leng keng từ chiếc chuông đồng, tiếng rao hết sức mời gọi ấy đã dần khuất vào một nơi mà người ta hay gọi đó là ký ức. Những tiếng chuông đồng trong trẻo ở đầu xóm đã bị ai đó lãng quên, những cây cà rem mát lạnh chỉ còn hiện diện trong miên man nỗi nhớ.

Cây cà rem ngày xưa nay được thay thế bằng nhiều loại kem ngon hơn. Từ cà rem cùng biến mất mà thay thế bằng cái tên kem đủ loại như 7 màu, kem sầu riêng, chuối, sô cô la, đủ hình đủ dáng trông bắt mắt. Trẻ em bây giờ được ba má ông bà cho thưởng thức kem trong những quán giải khát có máy lạnh với tiếng nhạc du dương. Biết có ai trong số ba má, ông bà đó (chứ không nói đến con cháu) biết đến tiếng leng keng của chiếc chuông đồng xe cà rem. Biết ai còn nhớ đến âm thanh đã một thời làm tôi háo hức chờ đợi. Biết ai còn nhớ đến tiếng rao mộc mạc như níu giữ trái tim non nớt của bao đứa trẻ như tôi ngày xưa, bởi tất cả đã lui vào dĩ vãng.